Kinh nghiệm THANH KHOẢN TRONG GIỚI CRYPTO THỜI KỲ XUỐNG GIÁ

Bạn có thấy giới đầu tư có kinh nghiệm thường yêu thích những tài sản thuộc loại blue chip khi thị trường đi xuống không?

Mình cũng thấy thế và thường tự hỏi tại sao như vậy, và có phải đây là cách trú ẩn khi thị trường xuống giá không? Và thật bất ngờ, không chỉ là trú ẩn, tài sản blue chip như Bitcoin, Ethereum còn có giá trị hơn thế rất nhiều! Đó là khả năng cho bạn THANH KHOẢN trong lúc mọi người đang thiếu vốn. Vậy thanh khoản là gì? Tại sao nó lại quan trọng khi thị trường đi xuống? Bài viết này mình xin chia sẻ chút kinh nghiệm mà mình nghĩ là rất quan trọng.

Tuy nhiên, bài viết này không phải cho tất cả mọi người. Vì mình không theo trường phái trading tức giao dịch để ăn chênh lệch mà mình thường đầu tư ở mức tương đối dài hơi một chút. Nên nếu bạn không thích kiểu đó thì bài này sẽ không hợp với bạn, để bạn khỏi mất thời gian đọc.

Trước khi nói về thanh khoản, mình muốn nói đến một yếu tố quan trọng trong thị trường Crypto, đó là tính chu kỳ. Như nhiều người chúng ta có thể đã biết, thị trường Crypto giao động theo một chu kỳ 4 năm và điều này bị ảnh hưởng bởi chu kỳ gọi là halving, tức là chu kỳ cứ khoảng 4 năm một lần giá trị của phần thưởng khối của Bitcoin lại bị giảm đi một nửa. Theo quan sát của mình qua 2 chu kỳ rồi và bây giờ đang ở giữa chu kỳ thứ 3, mình thấy rằng sau khi halving khoảng 1 năm (hoặc 1.5 năm) thì thị trường sẽ lên đến đỉnh và sau đó đi xuống. Khi lên đỉnh, tức là Bitcoin lên đỉnh rồi nó kéo theo các coin khác.

Chu kỳ này nói chung khá khốc liệt. Khi lên đỉnh, sẽ nảy sinh ra nhiều loại coin, token mới, nhưng sau đó là thời kỳ đi xuống, những coin, token không đủ giá trị nội tại hoặc có cộng đồng đông người giữ vững đức tin sẽ bị thị trường đào thải. Mình sẽ nói đến cộng đồng giữ vững đức tin này trong một bài viết khác nếu có dịp và có đủ người quan tâm nhưng sẽ không đề cập nữa trong bài viết này để tránh bị làm loãng chủ đề. Chu kỳ lên xuống có cái hay cái dở, tùy quan điểm từng người. Nhưng theo mình có lẽ nó là điều cần thiết dù sẽ không có nhiều người thích thế. Vì, khi thị trường lên đỉnh, nhiều người trở nên giầu có, và nhiều người sẽ nói về crypto, những câu chuyện và giai thoại về chiếc bánh pizza trị giá 10 ngàn Bitcoin hay anh bạn hàng xóm phất lên nhanh chóng sẽ khiến cho nhiều người hơn biết về nó. Và khi thị trường đi xuống, cũng tương tự, nhiều người thề không bao giờ quay trở lại crypto và nhiều dự án phải bỏ cuộc để rồi còn lại những tay chơi kiên trì hơn và những tay chơi mới đầy nhiệt huyết.

Đó là về tính chu kỳ, bây giờ, quay trở lại chủ đề chính mà mình định nói, đó là tính Thanh Khoản, thời kỳ thị trường lên đỉnh, chúng ta rất khó đâu là tốt đâu là không tốt nên sẽ ôm vào khá nhiều loại. Những thứ mới mẻ, ít người biết đến thường hứa hẹn cơ hội "trúng quả" x10, x100, x1000,... nhưng nó cũng là thứ đầy rủi ro và có thể thành rác sau một thời gian. Ai mà biết được một cách chắc chắn rằng liệu loại nào có thể thành công loại nào sẽ thành rác, nên sau khi lên đỉnh, chúng ta đã hết tiền và ôm trong tay một mớ tài sản mà chẳng biết tương lai nó thế nào. Thời kỳ xuống đáy thật khủng khiếp, chỉ có một vài năm mà nó dài như hàng thế kỷ. Nếu bạn chỉ sống bằng đầu tư crypto, mà không có nguồn thu nhập nào khác bạn sẽ biết cảm giác thực sự lúc này là thế nào. Nếu bạn quản lý một danh mục hàng triệu đô thì cảm giác đó thật không dễ chịu đâu.

Khi thị trường đã đến đáy, nói như Warren Buffett là lúc đó bạn sẽ thấy ai đi bơi mà không mặc quần. Nhiều thứ trong tay bạn, trước đây kỳ vọng giờ sẽ nhận thấy cơ hội của nó còn khá là thấp. Nhưng làm sao mà bán được vì ai cũng sẽ nhận thấy. Nếu tỉnh táo, bạn nhận ra sớm và bán đi sớm, bạn thu lại một ít, dù chắc chắn không bằng lúc mua, còn nếu bán chậm chắc khó! Nếu không cứ ôm và chờ đỉnh sau. Nhưng chính thời điểm là đáy đấy lại cũng nổi lên nhiều thứ tốt với giá rất hời! Và cơ hội tốt và rủi ro thì thấp hơn nhiều, thời gian chờ đến đỉnh mới cũng không còn dài nữa.

Nhưng có thứ tốt giá hơi nhưng tiền đâu mà mua? Đây chính là trọng tâm của bài viết này!

Nếu bạn có thu nhập tốt và có dư tiền so với chi phí, tức là bạn có thanh khoản, thì thời kỳ như thế là thời kỳ giúp bạn kiếm được những tài sản tốt giá hời. Còn nếu bạn sống bằng đầu tư, những tài sản có tính Thanh Khoản cao lúc này là cực kỳ quan trọng.

Tài sản có tính thanh khoản cao là gì? Thanh khoản là khả năng dịch chuyển dễ dàng như chất lỏng (tiếng Anh của từ thanh khoản là liquidity có nghĩa là ở trạng thái lỏng, linh hoạt) còn trong đầu tư, đó là những tài sản mà bạn có thể nhanh chóng chuyển nó sang tiền mặt, tức là có thể bán, cho vay, thế chấp,...

Với những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, khi thị trường đi xuống, họ thường ôm những tài sản có tính thanh khoản cao như Bitcoin hay Ethereum, tức là những loại mà thị trường luôn có nhu cầu. Nhưng, những tài sản này thì cũng là những tài sản có độ rủi ro thấp, độ biến động giá thấp. Với người mới thì nghĩ rằng mua nó không lãi gấp nhiều lần như những thứ mới. Nhưng khi thị trường xuống giá, cái này cho phép bạn có thể thế chấp để rút ra tiền mặt để mua những thứ tốt với giá hời!!! Đây mới là điều quan trọng.

Khi thị trường lên giá, những thứ trông tưởng chừng tốt giá cao, khi ôm vào khả năng thất bại cũng cao. Khi thị trường ở đáy, những thứ tốt giá lại thấp và nếu có tiền mặt mà ôm thì khả năng thất bại sẽ thấp hơn rất nhiều. Với những tài sản blue chip, độ an toàn cao, bạn có thể thế chấp chúng để vay stablecoin. Thời kỳ đầu, những dự án DeFi cho vay như AAVE, Compound nhưng lãi xuất của nó biến động theo thị trường quá rủi ro còn Maker thì lại quá khó sử dụng. Nhưng ngày nay, Spark, một dự án con của Maker vừa dễ sử dụng như AAVE mà lại tận dụng được khả năng vay vốn với lãi suất tương đôi cố định (kiểu như vay vốn ở ngân hàng tức là lãi xuất của nó có thay đổi nhưng không nhiều và có đợt chứ không biến động tức thời như các thị trường vốn kiểu AAVE hay Compound.) Tất nhiên, đi vay cũng có rủi ro nhất định nếu không trả nợ được đúng hạn. Nhưng đó là đề tài cho một bài viết khác.

Bây giờ, nếu bạn có nắm giữ những tài sản có tính thanh khoản cao và khả năng giữ giá trong tương lai và bạn có thể thế chấp nó để vay một lượng tiền mặt nhất định (đủ an toàn) bạn có tiền mặt để (hoặc stablecoin) để có thể mua vào những tài sản chất lượng và có độ rủi ro thấp hơn và thời gian chờ chu kỳ lên giá ngắn hơn rất nhiều so với bạn mua lúc thời kỳ đỉnh cao.

Ngoài tài sản có tính thanh khoản cao, cũng có những kỹ thuật giúp bạn có thanh khoản trong thời kỳ thị trường đi xuống, nếu các bạn quan tâm, mình sẽ chia sẻ trong bài viết khác.
 
Back
Top